Thông báo
Loading...
PHÁT HUY KHẢ NĂNG TỰ HỌC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC VIÊN SAU ĐẠI HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN

Bản chất của quá trình đào tạo ở trình độ sau đại học (SĐH - thạc sĩ, tiến sĩ) là quá trình nghiên cứu và sáng tạo, trong đó người học thể hiện năng lực tự nghiên cứu, tư duy độc lập, hình thành và thể hiện bản lĩnh, phương pháp, kỹ năng học tập của riêng mình. Do đó, học viên SĐH phải đề cao vai trò nhân tố chủ quan và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của mình trong hoạt động học tập, nghiên cứu để đưa ra những lập luận, khái quát mới về lý luận và thực tiễn; thúc đẩy phát triển tri thức, phẩm chất, năng lực tư duy sáng tạo, tố chất nghề nghiệp một cách toàn diện, bền vững.

Để thích nghi và thành công trong môi trường học tập và nghiên cứu ở cơ sở đào tạo thuộc hệ thống định hướng nghiên cứu hàng đầu Việt Nam - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, theo tác giả các học viên SĐH cần các biện pháp dưới đây để phát huy nhân tố chủ quan đó:

1. Đề cao tính tự giác, kiên trì, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học (NCKH)

Suy đến cùng, bản chất của quá trình học tập và NCKH ở trình độ SĐH là tìm tòi, khám phá, phát hiện cái mới và làm cho nó nảy nở, lưu chuyển thành hiện thực. Khi người học tích cực, tự giác, kiên trì trong khám phá, phát hiện, tìm cách tiếp cận, luận giải cho các vấn đề đang đặt ra thì cũng chính là làm cho cơ quan não bộ của họ ở trạng thái “kích hoạt” do những nhiệm vụ, tình huống có vấn đề, cùng với đó là sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo của người học được thăng hoa, phát triển.

 
Học viên cao học Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trên giảng đường

Tính tự giác, kiên trì sẽ tạo điều kiện cho học viên SĐH làm chủ các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học tập và NCKH; biết phát triển các nguyên lý, học thuyết của chuyên ngành; gia tăng khả năng phát hiện, giải quyết các vấn đề phức tạp của nghề nghiệp; rút ra những nguyên tắc, quy luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đưa ra những sáng kiến có giá trị và đánh giá thẩm định chúng; có những đề xuất mới với các luận cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi; đưa ra các quyết định về kế hoạch làm việc, quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát triển tri thức mới, quy trình mới.

Trong học tập, NCKH, học viên SĐH cần đề cao tính tích cực sáng tạo của mình. Để có được điều này, họ cần xác định và tự xây dựng cho mình thái độ, động cơ học tập đúng đắn. Ý thức rõ về nhu cầu và lợi ích, về các chuẩn mực và mục đích xã hội; có quan điểm, chính kiến rõ ràng trong nhận thức hoặc với các vấn đề học tập, nghiên cứu. Sự hứng thú với lý luận khoa học, với sự phát triển cái mới, khao khát tiếp nhận tri thức mới, ham học tập, mong muốn đem lý luận vận dụng vào thực tiễn đó là các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần chiếm lĩnh, kích thích, thúc đẩy học viên SĐH phát triển và hoàn thiện nhân cách, đáp ứng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra. Thái độ, động cơ bắt nguồn từ nhu cầu nhận thức, nhu cầu thông tin, muốn làm điều có ích cho xã hội, muốn được cống hiến và tôn vinh. Hơn nữa, thái độ, động cơ là cơ sở, nguồn gốc tạo nên tính tích cực của cá nhân. Nếu động cơ, mục đích đúng đắn và mạnh mẽ, học viên SĐH nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, khát khao hiểu biết, chủ động khắc phục mọi khó khăn trong quá trình lĩnh hội và chuyển hoá sáng tạo tri thức. Ở đó, người học tự rèn cho mình khả năng làm việc bền bỉ, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đã xác định. Vì “mọi bước khởi đầu đều khó - chân lý ấy đúng đối với mọi khoa học”.

2. Chủ động nâng cao trình độ tri thức, lý luận theo hướng toàn diện, chuyên sâu trong điều kiện mới

Trong bối cảnh của nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kéo theo sự thay đổi lớn về tri thức. Theo đó, tất yếu học viên SĐH phải nâng cao trình độ tri thức của mình, bao gồm cả tri thức về tự nhiên, xã hội và về con người. Song, căn cứ vào lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tri thức của họ cần bồi dưỡng, bổ sung phát triển là tri thức tiên tiến của chuyên ngành khoa học kinh tế và khoa học liên ngành. Nâng cao trình độ tri thức toàn diện của người học nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó hết sức coi trọng các môn lý luận Mác - Lênin, cốt lõi là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; các quy luật kinh tế, quy luật thị trường; các tri thức về chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt, tập trung vào nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện vấn đề mới nảy sinh xoay quanh các hoạt động kinh tế - xã hội.

Người học trong quá trình tìm tòi, khám phá phát hiện, tìm ra cái mới về lý luận phải luôn gắn bó chặt chẽ với tính chính trị, hướng vào phục vụ lợi ích giai cấp, đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận của chuyên ngành. Quá trình phát sinh, phát hiện, hình thành từ “điểm đầu” tới “điểm đến” của cái mới trong các công trình khoa học của mình luôn xuất phát từ lý luận và thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội; sự thể hiện mục đích của chủ thể trong quá trình nhận thức và suy nghĩ sáng tạo, là sự vận dụng cách có hiệu quả hệ thống tri thức và những trải nghiệm được đúc rút qua thực tiễn vào quá trình học tập và nghiên cứu, phát hiện vấn đề, tạo dựng, tìm mọi biện pháp tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển đúng hướng.

3. Không ngừng nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu để tiếp thu lĩnh hội và chuyển hoá tri thức.

Ở trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tự học, tự nghiên cứu là chủ yếu. Quá trình tự học là quá trình chuẩn bị cho NCKH, quá trình dẫn dắt đến tự nghiên cứu. Bản chất của hoạt động tự NCKH là sự tự tìm tòi, sáng tạo, phát minh, sáng chế, cho nên nhất thiết phải có các dấu hiệu đặc trưng, đó là: tính hữu ích, mới lạ, độc đáo và có chứng minh, nó thường được bắt đầu từ các hoạt động đào tạo và xuyên qua hàng loạt các giai đoạn khác nhau của quá trình tìm tòi và khám phá. Do vậy, hoạt động tự học, tự NCKH luôn đặt ra yêu cầu cao của về tính tích cực, sáng tạo của người học, khả năng đặt vấn đề một cách độc lập, năng lực tìm cách giải quyết và lựa chọn phương án tối ưu thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, tiến hành hệ thống các thao tác trí tuệ và thực hành nghiên cứu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhằm đạt mục đích đề ra. Khả năng tự nghiên cứu trở thành loại hình kỹ năng học tập rất cơ bản mà học viên SĐH cần chú trọng bồi dưỡng và rèn luyện. Không những thế, họ còn phải nắm chắc chu trình tự học là các giai đoạn: tự nghiên cứu; tự thể hiện; tự kiểm tra, tự điều chỉnh. Chu trình đó cũng là con đường phát hiện vấn đề, định hướng và giải quyết vấn đề của NCKH.

Trong tự học, học viên SĐH cần nắm rất chắc và sử dụng thành thạo các phương pháp luận NCKH; các phương pháp chuyên ngành và liên ngành, phương pháp lịch sử - lôgíc, phân tích, tổng hợp, phân loại, hệ thống hoá, quan sát, điều tra, nghiên cứu sản phẩm, mô hình hoá..., nhất là trong giai đoạn xây dựng luận văn, luận án, học viên SĐH cần biết sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phương pháp thí nghiệm, thực nghiệm và sử dụng phương pháp toán học trong xử lý các số liệu, dữ liệu thu thập được, có như vậy các đề tài luận văn, luận án mới khắc phục được tính chất tư biện, tăng độ tin cậy cho các luận điểm đề xuất. Để nâng cao chất lượng NCKH, mỗi học viên SĐH ngoài việc nắm vững phương pháp nghiên cứu, thì cần phải có óc tò mò và hoài nghi khoa học, biết đặt câu hỏi khoa học và tìm cách trả lời chúng có cơ sở khoa học.

 Học viên cao học Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham gia thực tế môn học

Quá trình đào tạo và học tập, nghiên cứu ở Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng là quá trình mỗi học viên SĐH huy động hết mọi khả năng của mình trong tìm tòi, khám phá tri thức, là hành trình đi tìm chân lý cùng với sự hoài nghi những gì đã được công nhận và sự tò mò, khám phá những gì chưa biết. Sự hoài nghi đó không phá vỡ chân lý và tri thức vốn có mà ngược lại, nó giúp cho họ nhận thức lại, hoàn thiện tri thức và làm mới chân lý đó. Chính sự hoài nghi, biết đặt câu hỏi của họ là khởi đầu của tri thức và định hướng con đường đi tới chân lý, thậm chí biết đặt câu hỏi còn quan trọng hơn biết câu trả lời. Nói cách khác, trong khoa học, sự hoài nghi và đặt câu hỏi không phải là sự “kết thúc’’ mà là sự “khởi đầu’’ tất yếu của một hành trình khám phá tri thức và đi tìm cái mới, chân lý khoa học; ngược lại, họ sẽ tụt hậu, bị tha hoá và trở nên xơ cứng, giáo điều dưới sự phát triển của những tri thức, nhận thức mới

Học viên Nguyễn Hồng Quân Lớp QH-2019E-QLKT1

Các tin khác
free stats KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Trường ˦ại học Kinh tế - ˦ại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: ktct.ueb.edu.vn