Thông báo
Loading...
Phát triển kinh tế số - nhìn từ góc độ quản lý nhà nước

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu khi thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Phát triển kinh tế số ở Việt Nam tuy đã thu được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số vấn đề đang đặt ra cần phải có những giải pháp phù hợp, trong đó có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới.

Kinh tế số là một trong ba chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển kinh tế số là một xu hướng bắt buộc khi thế giới đang bước vào giai đoạn mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam muốn tiên phong trong quá trình chuyển đổi số sẽ phải giải quyết các thách thức đặt ra từ chất lượng nguồn nhân lực đến đầu tư trang thiết bị cho sự chuyển đổi này. Nhất là sự chuyển đổi ngay trong tư duy, nhận thức và hành động của bộ máy công quyền đang hàng ngày giải quyết các vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính... Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới.


Bảng 1. Tổng quan về kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019


Ghi chú: “- không có dữ liệu.

Nguồn: MCI Data 2020, Báo cáo TMĐT 2020, Bộ TT&TT, GII 2014-2019, Sách trắng CNTT-TT Việt Nam.

Thương mại điện tử ( TMĐT ) đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo báo cáo TMĐT năm 2020, doanh thu TMĐT B2C tăng trưởng giai đoạn 2015 -2019 luôn ở hai con số với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn là 25,4%, quy mô doanh thu năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015.

.

Hình 1: Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2015 - 2019 (tỷ USD)


Nguồn: MCI Data 2020, Báo cáo TMĐT 2020, Bộ TT&TT, GII 2014-2019, Sách trắng CNTT-TT Việt Nam.

Các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam luôn chiến thi phần lớn. Theo số liệu báo cáo bẳng xếp hạng các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do iprice insights cập nhật vao fngayf 03/03/2020 cho thấy, shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/ tháng. theo sau lần lượt là thế giới di động với 28 triệu lượt/ tháng, Sendo với 27,2 triệu/ tháng. Lazada với 27 triệu lượt/ tháng và tiki với 24,5 triệu lượt/ tháng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các doanh nghiệp TMĐT trong nước đều phải mua giao diện lập trình ứng dụng ( API) của google để có thông tin về khách hàng của mình.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng thì sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức, trong đó có vấn đề pháp lý, việc đảm bảo quyền riêng tư của người dung, vấn đề tin giả, thông tin không chính xác, vấn đề xử lý tranh chấp cho các hoạt động kinh doanh, thương mại trên môi trường số… Cùng với đó, còn nhiều rào cản trong cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế số.Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ dộng do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với phát triển kinh tế số chậm đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn những bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.   


Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế với chủ đề: An toàn, an ninh mạng Made in Vietnam – yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia”.

Nguồn: Báo điện tử Vneconomy

Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính: Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó có vấn đề phát triển kinh tế số của hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất; Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế; Do những khoảng trống pháp lý nên chủ trương và định hướng về phát triển kinh tế số dù đã có nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống; Sự thiếu bài bản và thấu đáo trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật dẫn đến nhiều văn bản bất cập, thiếu khung pháp lý đồng bộ; Nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, thực hiện; Còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, cách thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; Chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân; Thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù của các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Chính vì vậy, ở cấp độ quốc gia, những vấn đề kinh tế - xã hội lớn của tiến trình số hóa đời sống đang ngày càng vượt ra khỏi khả năng giải quyết của khu vực tư và cần đến “bàn tay” hành động của Nhà nước.

Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số, đạt được mục tiêu kinh tế số, cần thực hiện các nhóm giải pháp tăng cương quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế số như sau:

Nhóm giải pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong vai trò định hướng và điều tiết phát triển kinh tế số

Rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế số để phù hợp hơn với thực tế và với các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành, nhất là các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu, tầm nhìn về phát triển kinh tế số cần được nhấn mạnh nhiều hơn các nội dung về chất lượng. Các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế số phải được cụ thể hóa vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các Bộ/ngành và địa phương và phải được rà soát, điều chỉnh bổ sung để đảm bảo phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi thời kỳ.

Nhóm giải pháp tạo lập khung khổ pháp luật và môi trường thể chế cho phát triển kinh tế số

Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và môi trường thể chế liên quan đến phát triển kinh tế số theo hướng thân thiện với thị trường, phù hợp với các quy luật của thị trường. Các Bộ/ngành cần tạo ra nhưng bước tiến thực chất trong cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, bất hợp lý.

Phát triển kinh tế số là chủ đề thời sự trên nhiều diễn đàn khoa học (Nguồn: ĐHQG TP.HCM)

Nhóm giải pháp về đổi mới phương thức thanh kiểm tra và giám sát hoạt động phát triển kinh tế số

Nhà nước thường xuyên rà soát chức năng, nâng cao năng lực thanh kiểm tra, quản lý thị trường sau đăng ký kinh doanh, để đảm bảo quá trình đơn giản hóa, cắt giảm đăng ký kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không tạo ra những khoảng trống về chất lượng giám sát, quản lý thị trường đối với hoạt động của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng. Công tác hậu kiểm cần được chuẩn hóa với quy trình cụ thể, minh bạch để vừa đảm bảo các yêu cầu quản lý của Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển trong khuôn khổ của pháp luật, góp phần tăng cường việc tuân thủ pháp luật và ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhóm giải pháp đổi mới phương thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, xoá bỏ mọi rào cản, định kiến đối với vấn đề phát triển kinh tế số nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế số, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, để ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Nhóm giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số

Nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế số nói riêng là yêu cầu cũng như đòi hỏi mang tính tất yếu nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số.

Tóm lại, kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng trong phát triển kinh tế đất nước. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, đòi hỏi Nhà nước cần xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, đồng thời cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.


 

 

 

Nguyễn Thị Hồng Nhạn, học viên cao học QH-2019-E QLKT1

Các tin khác
free stats KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Trường ˦ại học Kinh tế - ˦ại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: ktct.ueb.edu.vn