Thông báo
Loading...
Tôi đã bắt đầu nghề nghiên cứu khoa học thế nào và từ khi nào?

Với tôi, nghiên cứu khoa học đã từng là suy nghĩ chỉ giành cho những người thực sự xuất sắc. Đó là những sinh viên với GPA cao ngất ngưởng, điểm tiếng anh trên 7.0 Ielts hoặc phải tham dự các chương trình/hội thảo khoa học lớn. Trong khi đó, bản thân tôi đã chẳng đạt được những điều đó. Tôi có một điểm GPA khiêm tốn, Tiếng Anh chưa bao giờ là lợi thế của mình trong suốt thời sinh viên và tôi thậm chí chưa tham gia một chương trình lớn nào. Vậy nghiên cứu khoa học có giành cho tôi?

Hiện tại, tôi làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế - Xã hội của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Bản thân cũng đạt được một số thành tựu nhỏ trong nghiên cứu và khi nghĩ lại cả quá trình rất dài, tôi đều thầm cảm ơn người thầy đầu tiên đã giúp tôi biết thế nào là nghiên cứu khoa học - Thầy Trần Quang Tuyến. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên, khi còn là một cậu sinh viên ngờ nghệch muốn để lại dấu ấn bằng một bài nghiên cứu, tôi đã gặp thầy Tuyến. Thầy là người có cách sống giản dị và thẳng thắn, một người mà tôi muốn trở thành trong tương lai không chỉ về tác phong mà còn trong tư tưởng sống. Đó có thể cũng là bài học đầu tiên giành cho tôi - không phải là những kỹ thuật nghiên cứu phức tạp mà định hình con người bạn muốn trở thành là điều thực sự quan trọng.

Về nghiên cứu, nhóm của tôi có 2 người và chúng tôi thu nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn là những cuộc gặp họp bàn về chuyện nghiên cứu. Thầy Trần Quang Tuyến không những giúp chúng tôi hoàn thiện hơn bài nghiên cứu, mà còn tạo cho chúng tôi những cơ hội khác trong cuộc sống như công việc, chia sẻ quan niệm sống hoặc thậm chí tiền bạc. Không giống như các người thầy/cô khác, thầy Tuyến không cầm tay chỉ việc mà chỉ đề cập đến những vấn đề quan trọng trong một bài nghiên cứu, bao gồm: ý tưởng, kỹ thuật tính toán, cách tổ chức dữ liệu… phần còn lại là cách mà chúng tôi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Cách hướng dẫn nghiên cứu này, hồi đó, khiến tôi cảm thấy rất bối rối vì hầu hết những người bạn của mình đều được hướng dẫn chi tiết (thậm chí được sửa từng câu từ) và điều đó đã giúp họ có những giải thưởng cao hơn tôi. Với tôi, giờ đây nghĩ lại, tôi mới hiểu cách thức hướng dẫn nghiên cứu của thầy Tuyến thật tuyệt vời biết bao. Điều quan trọng của một bài nghiên cứu khoa học sinh viên không phải là sản phẩm đó hay thế nào so với chuẩn thế giới mà là cách các bạn sinh viên đã làm gì để có được sản phẩm đấy. Cách thu thập tổ chức dữ liệu, cách tìm hiểu mô hình và chạy trên một nền tảng nghiên cứu (Stata hoặc R), cách làm việc nhóm với nhau… quan trọng hơn việc hiểu một bài/một phần nghiên cứu của người khác.

Giờ đây, sau 1 năm tốt nghiệp đại học, tôi đã làm được điều mà hầu hết những người bạn của tôi trước kia chưa làm được đó là công bố được một bài nghiên cứu trên tạp chí quốc tế (Economic analysis and policy). Sự thông minh không phải là yếu tố quan trọng duy nhất để bạn thành công trong nghiên cứu mà là sự kiên trì, thành thực và một người hướng dẫn xuất sắc.

Lê Văn Đạo – Cựu sinh viên QH-2014- E Kinh tế

Các tin khác
free stats KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Trường ˦ại học Kinh tế - ˦ại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: ktct.ueb.edu.vn