Thông báo
Loading...
ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 ĐẾN NGÀNH DU LỊCH VÀ HÀNG KHÔNG

Du lịch Việt Nam từng bước hồi sinh sau khi kiệt sức vì Covid 19
Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ước tính lượng khách du lịch quốc tế năm 2019 đạt gần 1,5 tỷ lượt, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu (+3%). Đây là năm tăng trưởng thứ mười liên tiếp kể từ năm 2009. Tuy nhiên, trong 3 năm qua (2017-2019), khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Nếu như năm 2017 tăng 7,2% thì năm 2018 giảm xuống còn 5,6% và năm 2019 chỉ tăng từ 3,8%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 5% trong giai đoạn 2009-2019.

1. THỰC TRẠNG NGÀNH DU LỊCH TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19

Tăng trưởng ngành du lịch thế giới trước đại dịch Covid-19

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ước tính lượng khách du lịch quốc tế năm 2019 đạt gần 1,5 tỷ lượt, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu (+3%). Đây là năm tăng trưởng thứ mười liên tiếp kể từ năm 2009. Tuy nhiên, trong 3 năm qua (2017-2019), khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Nếu như năm 2017 tăng 7,2% thì năm 2018 giảm xuống còn 5,6% và năm 2019 chỉ tăng từ 3,8%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 5% trong giai đoạn 2009-2019. 

Năm 2019, khu vực dẫn đầu về tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến là Trung Đông (+7,6%). Tiếp đến là châu Á - Thái Bình Dương (+4,6%), châu Phi (+4,2%), châu Âu (+3,7%), và châu Mỹ (+2,0%). Phân theo tiểu vùng, khu vực Bắc Mỹ (+9%) và Đông Nam Á (+8%) có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tiếp theo là Nam Âu - Địa trung Hải và Vùng Ca-ri-bê (+5%).

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, bất ổn ở Đông Bắc Á, chậm trễ trong tiến trình Brexit, khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia Nam Mỹ, xung đột leo thang ở Trung Đông, thiên tai xảy ra ở diện rộng một số nơi... là những yếu tố tác động mạnh đến dòng khách du lịch quốc tế. Giai đoạn 2017-2019, Châu Mỹ giảm từ 4,9% xuống chỉ còn 2,0%; châu Âu giảm từ 8,6% xuống còn 3,7%. Năm 2019, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng thấp nhất trong 3 năm qua: 2017 đạt 5,7%; 2018 đạt 7,3% và 2019 đạt 4,6%.

Lượng khách du lịch quốc tế năm 2019 đạt ngưỡng 1,5 tỷ người, tương đương mức tăng trưởng 4% (thống kê từ báo cáo của các điểm đến du lịch trên toàn thế giới). Có thể nói, 2019 là một năm ngành du lịch phát triển khá mạnh mẽ, mặc dù còn hơi chậm khi so sánh với tỉ lệ tăng trưởng của năm 2017 (+6%) và năm 2018 (+6%). Nhu cầu du lịch quốc tế giảm sút chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là châu Âu. Những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành du lịch có thể nói đến như việc Anh dự định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay những căng thẳng về chính trị, thương mại, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ ở châu Âu.

Năm 2019 ghi nhận sự tăng trưởng về lượt khách ở tất cả các khu vực trên thế giới. Dẫn đầu là khu vực Trung Đông, vốn được biết đến có nhiều bất ổn, tăng 8%; tiếp theo là khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 5%; châu Âu và châu Phi tăng 4% và châu Mỹ là 2%. Dựa vào các xu hướng trên và triển vọng kinh tế, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã dự đoán mức tăng trưởng 3-4% của ngành du lịch trong năm 2020.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch thế giới, ngành du lịch Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam đã thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16.2% so với năm 2018), cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, vẫn duy trì phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Bên cạnh đó, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới, trong đó phải kể đến các giải thưởng như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” và đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019” và “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, góp phần vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Năm 2019 đánh dấu chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong 3 lần xếp hạng, du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 vào năm 2019. Đó là lý do ngành du lịch của Việt Nam được dự đoán sẽ càng phát triển rực rỡ hơn nữa trong năm 2020.

2. THỰC TRẠNG NGÀNH DU LỊCH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Tình hình du lịch thế giới trong Covid-19

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNTWO), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch ước tính tổn thất 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019. Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết, việc bùng phát đại dịch COVID-19 khiến cho ngành du lịch toàn cầu thiệt hại nặng nề, lượng khách du lịch quốc tế ước tính sẽ giảm 20-30%.

Do ảnh hưởng của đại dịch, các cường quốc du lịch cũng như các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như: Pháp, Ý, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang phải trải qua cơn khủng hoàng chưa từng có. Các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới ngày thường vốn đông đúc nay không người qua lại. Khải Hoàn Môn ở Paris, Kim tự tháp Giza ở ngoại ô thủ đô Cairo, Quảng trường Thời đại ở New York… không khác gì những kì quan bị nhân loại “lãng quên’’.

Tình hình du lịch nội địa trong Covid-19

Dịch bệnh làm giảm nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ nhiều lễ hội, hội nghị và gần đây là cách ly toàn xã hội. Trong quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lượng khách trong nước giảm 6%, doanh thu toàn ngành giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khủng hoàng của ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam có thể kể đến:

* Trên toàn thế giới:

Thứ nhất, Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly xã hội

Thứ hai, Các hoạt động vận tải đường hàng không đều buộc phải dừng lại.

* Ở Việt Nam:

Một là, Các du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, vốn là nguồn khách chủ yếu của du lịch Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch ở các nước này rất nặng nề, dẫn đến sự sụt giảm lượng khách từ các nước này đến Việt Nam.

Hai là, Việt Nam quyết định đơn phương dừng miễn thị thực, cách li bắt buộc cho công dân các nước châu Âu, châu Mỹ, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch từ rất sớm dẫn đến lượng khách du lịch giảm đáng kể và đến nay là dừng hẳn đón khách du lịch.

Một số giải pháp khôi phục ngành du lịch sau đại dịch Covid-19

Giải pháp của các quốc gia trên thế giới:

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, nhằm hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khủng hoảng bởi COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành du lịch của họ đối phó với đại dịch COVID-19.

Tại Tây Ban Nha, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố khoản tài trợ trị giá 400 triệu euro cho các công ty vận chuyển, taxi, khách sạn, nhà hàng, cho thuê xe, đại lý du lịch, bảo tàng… có trụ sở tại Tây Ban Nha cần thanh khoản với giới hạn 500.000 Euro. Chính phủ cũng đã công bố gói 200 tỷ Euro để giúp các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong số 200 tỷ euro, một nửa được gắn với chương trình bảo lãnh công để đảm bảo tính thanh khoản cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và để giảm bớt tình trạng sa thải hàng loạt.

Thủ tướng Anh cũng đã đưa ra gói các biện pháp tạm thời để hỗ trợ các dịch vụ công cộng, người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 330 tỷ bảng. Các biện pháp được áp dụng bao gồm: miễn lãi suất 12 tháng cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí ở Anh; tài trợ từ 15.000 đến 51.000 bảng cho các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí; 10.000 bảng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng cung cấp khoản vay lên tới 5 triệu bảng cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua Ngân hàng Doanh nghiệp Anh.

Tại Pháp, Chính phủ Pháp đã thành lập quỹ “Solidarity Fund” trị giá 2 tỷ euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, gồm 160.000 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, 140.000 doanh nghiệp thương mại và 100.000 doanh nghiệp du lịch.

Giải pháp của Việt Nam:

Thứ nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Thứ hai, Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.

Thứ ba, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia xúc tiến du lịch quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào; được hỗ trợ chi phí thị thực, hỗ trợ chi phí vé máy bay cho 1 cán bộ hoặc 1 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.

Thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.

Thứ năm, các doanh nghiệp du lịch và người lao động được phép chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6-2021; cũng như Bộ sẽ xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp.

3. THỰC TRẠNG NGÀNH HÀNG KHÔNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19

Tăng trưởng ngành hàng không thế giới trước đại dịch Covid-19

Ngành vận tải hàng không thế giới có thị trường khá tập trung, chỉ riêng hai khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu đã chiếm đến 59% thị phần vận tải hành khách và 64% thị phần vận tải hàng hóa. Ngành vận tải hành khách và hàng hóa hàng không thế giới hiện đang trong pha tăng trưởng mới sau giai đoạn tăng trưởng chậm 2000-2004. Theo thống kê của IATA, tốc độ tăng trưởng lượng khách luân chuyển (RPK) và sản lượng hàng hóa luân chuyển (RTK) thế giới giai đoạn 2012-2017 lần lượt đạt 7,0%/năm và 4,3%/năm, cao hơn mức 2-4%/năm giai đoạn 1985-2005. Động lực tăng trưởng chính của ngành trong giai đoạn sau đến từ phân khúc hàng không giá rẻ (LCC). Thị phần của các doanh nghiệp LCC tăng mạnh từ mức 15,7% năm 2006 lên mức 25,5% năm 2016.

Trong khi đó, với xu hướng “outsourcing” từ các quốc gia phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang ngày càng gia tăng. Vận tải hàng không chủ yếu vận chuyển các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, linh kiện máy móc, hàng thời trang, hàng dễ vỡ, hóa chất… Thị phần vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu khá phân mảnh do chính sách hỗ trợ các hãng hàng không nội địa của các quốc gia. Các tuyến vận tải hàng không nội vùng Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Á Thái Bình Dương - EU là hai tuyến vận tải hàng không lớn nhất thế giới.

Dự báo cho giai đoạn 2017-2026, ngành vận tải hành khách và hàng hóa hàng không sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân là 4,7%/năm và 4,2%/năm với động lực chính đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Ngành hàng không Việt Nam trước đại dịch Covid-19

Theo thống kê khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP Việt Nam. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1.5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng. Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không của Việt Nam đồng hành với tăng trưởng của nền kinh tế.

Thị trường hàng không tăng trưởng cao trong khi hạ tầng cảng hàng không, sân bay còn hạn chế về năng lực đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó thị trường hàng không Việt Nam năm 2019 vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không, sân bay ước đạt 115,5 triệu lượt hành khách, tăng 11,8% và hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2018; Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt gần 55 lượt triệu hành khách, tăng 11,4% và 435 nghìn tấn hàng hóa, tăng 7,6% so với năm 2018.   

4. NGÀNH HÀNG KHÔNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Ngành hàng không thế giới

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự kết hợp giữa huỷ chuyến bay và hạn chế nhập cảnh đã khiến công nghiệp hàng không lỗ khoảng 880 tỷ USD và con số này sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu tình hình đại dịch kéo dài trong nhiều tháng tới.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng không Brendan Sobie tại Singapore cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành hàng không sẽ nghiêm trọng hơn cả dịch SARS hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không ai chắc chắn dịch sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động tới mức nào.

Công ty khảo sát thị trường CAPA dự đoán tới cuối năm 2020 thậm chí nhiều hãng hàng không trên thế giới sẽ phá sản.

Ngành hàng không Việt Nam

Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng (theo thống kê tháng 3/2020). Lượng du học sinh, kiều bào nước ngoài kéo về nước trước khi đóng cửa các sân bay cũng không giúp cải thiện tình hình ngành hàng không. Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có hàng trăm máy bay nằm trên sân đỗ, thậm chí phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp máy bay, cả trong khu vực xưởng sửa chữa hay cả trên đường lăn.

Vietnam Airlines được xem là có thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350. Mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này vào khoảng 1 triệu USD. Như vậy, với riêng đội máy bay này, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi gần 30 triệu USD. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300 nghìn USD/tháng.

Theo tính toán mới nhất của các hãng hàng không, việc cắt giảm đường bay vì dịch bệnh sẽ khiến các hãng thiệt hại tổng cộng 30.000 tỷ về doanh thu trong năm 2020

Ảnh hưởng nặng nề nhất chính là ngành hàng không, quý I/2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước doanh thu hợp nhất đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019, còn lợi nhuận âm 2.383 tỷ đồng. Vietnam Airlines dự kiến, nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, tổng doanh thu cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng và con số lỗ có thể lên tới 19.651 tỷ đồng. Đứng trước tình hình khó khăn, mới đây, Vietnam Airlines công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân sự, giảm lương toàn bộ lao động, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu do COVID-19 làm hoạt động du lịch tê liệt, các chính sách phong tỏa đất nước của các quốc gia, dẫn đến đình trệ ngành hàng không. Doanh thu giảm do thiếu khách hàng, tần suất các chuyến bay bị cắt giảm, cổ phiếu cũng đi xuống mạnh khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào ngành hàng không. Covid-19 thực sự đã gây ra một hỗn hợp độc hại với “sức khỏe” ngành hàng không.

Các giải pháp khôi phục ngành hàng không

Các giải pháp của thế giới:

Thứ nhất, Các hãng hàng không tìm cách giảm chi phí và củng cố khả năng chống đỡ khủng hoảng nhiều nhất có thể như cắt giảm nhân viên, cắt giảm các lộ trình bay, tái đàm phán các hợp đồng với nhà cung cấp và vận hành những loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm chi phí hơn.

Thứ hai, Một số hãng bắt đầu nghĩ đến phương án xin cứu trợ của chính phủ. Các hãng hàng không Anh đã đề nghị gói cứu trợ chính phủ hơn 9 tỷ USD. Hiệp hội thương mại hàng không Mỹ cũng kêu gọi gói cứu trợ chính phủ trị giá 58 tỷ USD. Các chính phủ cũng khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu.

Các giải pháp của Việt Nam:

Một là, Chính phủ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không bằng cách giải pháp mang tính tích cực thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ (miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay ngân hàng thương mại đối với các khoản vay còn trong hạn cũng như các khoản vay mới) nhằm trực tiếp giúp cho các doanh nghiệp hàng không tiết giảm chi phí.

Hai là, Bộ Giao thông Vận tải xem xét một số giải pháp như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa, giảm giá 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5/2020).

Ba là, Các hãng hàng không đề xuất giảm 50% với cả 2 loại phí cất cánh và điều hành bay trong cả năm 2020. Ngoài ra, để kích cầu đi lại của người dân khi thị trường phục hồi, việc miễn phí phục vụ hành khách với chuyến bay nội địa (hiện thu từ 70.000 -110.000 đồng/người) và giảm 50% với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng là rất cần thiết.

Bốn là, Các doanh nghiệp hàng không cần tiết kiệm tối đa các khoản chi phí của doanh nghiệp, nghiên cứu áp dụng các giải pháp kích cầu dịch vụ thông qua việc phối hợp với các hãng du lịch, lữ hành trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng bù đắp doanh thu và giảm tối đa sự ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2020.

Với những tiềm năng phát triển mạnh mẽ và mang tính “cộng sinh” của du lịch và hàng không, hy vọng hai ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và thế giới sẽ sớm hồi phục và tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu như thời gian qua và mạnh mẽ hơn nữa.

Lê Tiến Thành, Phạm Thuỳ Dương, Trần Dương Hoàng Lớp: QH-2019-E Kinh tế CLC 5

Các tin khác
free stats KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Trường ˦ại học Kinh tế - ˦ại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: ktct.ueb.edu.vn