Thông báo
Loading...
Tác động của phân quyền tài chính đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội do trường Đại học Kinh tế chủ trì, PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp làm chủ nhiệm, thực hiện từ 02/2015 đến 10/2016. Các thành viên tham gia đề tài trong khoa gồm có TS Nguyễn Thị Thu Hoài, TS Hoàng Triều Hoa, TS Lê Thị Hồng Điệp cùng với TS Nguyễn Viết Hãnh, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

1. Giới thiệu chung

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào thu nhập của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển. Ở Việt Nam, nông nghiệp đã đạt được những thành tựu trong thời kỳ Đổi mới; Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để nông nghiệp tiếp tục phát triển thì ngoài những nỗ lực từ phía nông dân và doanh nghiệp, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền từ trung ương tới địa phương. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông nghiệp được đưa ra, tuy nhiên giải pháp liên quan đến phân quyền tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm nhiều bởi các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các nhà khoa học.

2. Mục tiêu

Nghiên cứu này được tiến hành với các mục tiêu cụ thể như: (i) Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phân quyền tài chính và sự tác động của phân quyền tài chính đối với sản xuất nông nghiệp; (ii) Phân tích bối cảnh và quá trình phân quyền tài chính đang diễn ra ở Việt Nam, đánh giá tác động của phân quyền tài chính đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2000 – 2011; (iii) Xây dựng mẫu giả thuyết và mô hình thực nghiệm về mối quan hệ giữa phân quyền tài chính và sản xuất nông nghiệp sau đó áp dụng chúng đến bối cảnh Việt Nam; và (iv) đưa ra giải pháp về phân quyền tài chính để góp phần thúc đẩy phát nông nghiệp nước ta hiện nay.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng kết hợp phương pháp định tính, phương pháp định lượng và các phương pháp thống kê, so sánh để đánh giá tác động của phân quyền tài chính đối với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Mô hình kinh tế lượng sử dụng để mô phỏng, phân tích mối quan hệ giữa các biến số được xác định trong đề tài nghiên cứu. Các mô hình được sử dụng trong đề tài bao gồm: Mô hình sản xuất Cobb-Douglas (Cobb-Douglass production model), mô hình sản xuất Frontier (Frontier Production Model), mô hình tuyến tính tổng quan hóa (Generalized Linear Model). Phương pháp so sánh được sử dụng để so sánh kết quả ước tính giữ hai mô hình Cobb-Douglas và Frontier để chỉ ra hiệu quả mô phỏng của hai mô hình.

4. Kết quả nghiên cứu

Bằng việc thiết lập mẫu giả thuyết về mối quan hệ giữa phân quyền tài chính và nông nghiệp, xây dựng mô hình phân tích thực nghiệm với hai kịch bản giả định để xác định mối quan hệ giữa phân quyền tài chính và kết quả đầu ra của ngành nông nghiệp: (i) mô hình không tương tác và (ii) mô hình tương tác giữa phân quyền tài chính và các loại dịch vụ hàng hóa công như; điện, đường, trường trạm và áp dụng chúng vào bối cảnh thực tế Việt Nam. Nghiên cứu đã khám phá ra rằng mô hình tương tác có thể giải thích mối quan hệ giữa phân quyền tài chính và kết quả đầu ra ngành nông nghiệp một cách tốt hơn và tin cậy hơn mô hình không tương tác, do đó phân quyền tài chính là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp vào kết quả đầu ra của quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua hiệu quả kỹ thuật được đặt trong mối quan hệ tương tác với dịch vụ hàng hóa công. Vì vậy, để phân quyền tài chính trở nên hiệu quả, thì chính phủ phải phân bổ mức độ quyền tự quyết về vấn đề tài chính và trách nhiệm cung ứng các dịch vụ hàng hóa công phù hợp với nhu cầu của địa phương theo một tỷ lệ nhất định, nếu không phân quyền tài chính sẽ trở thành một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực, kìm hãm nông nghiệp phát triển.

Mặt khác, kết quả phân tích thực nghiệm cũng chỉ ra rằng trong kịch bản hiện tại ở Việt Nam nhìn chung phân quyền tài chính có tác động tích cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp, là nhân tố quan trọng nâng cao năng suất sản xuất. Tuy nhiên, mức độ phân quyền tài chính hiện tại chỉ đạt được hiệu quả cho ngành nông nghiệp đối với hai loại dịch vụ công là hệ thống cung ứng điện nông thôn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Còn mức độ phân quyền tài chính đối với việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn không đạt được hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, để nông nghiệp tiếp tục phát triển, bên cạnh việc gia tăng mức độ phân quyền tài chính cho chính quyền địa phương liên quan đến các dịch vụ cung ứng dịch vụ điện và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng thì chính phủ cũng cần phải điều chỉnh lại mức độ phân quyền tài chính trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thông qua việc điều chỉnh mức độ thẩm quyền thu chi và phân bổ tránh nhiệm cung ứng hệ thống giao thông nông thôn hướng tới sự phát triển nông nghiệp.

5. Các công bố liên quan đến kết quả đề tài

- Bài báo quốc tế (trong danh mục Scopus): Fiscal decentralization and agricultural field: empirical evidence from Vietnam, Journal of Applied Sciences, ISSN 1812-5654 DOI: 10.3923/jas.2016,

- Bài báo trong nước: Hoàn thiện phân cấp quản lý ngân sách nhà nước tỉnh Hà Nam, tạp chí Quản lý kinh tế, số 69, 2015, tr 49-57

6. Kết quả ứng dụng của đề tài

- Bản kiến nghị về phân cấp tài chính cho các địa phương để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, kết quả nghiên cứu của đề tài được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu xác nhận sử dụng.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo để giảng dạy và học tập hệ sau đại học của trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội cho các môn học như: Kinh tế chính trị Việt Nam (cao học chuyên ngành Kinh tế chính trị), Quản lý nhà nước về kinh tế nâng cao ( cao học chuyên ngành Quản lý kinh tế).

Đề tài đã nghiệm thu ngày 30/11/2016 theo quyết định số 3639/QĐ-ĐHQGHN của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 14/11/2016, xếp loại xuất sắc.

Khoa KTCT

Các tin khác
free stats KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Trường ˦ại học Kinh tế - ˦ại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: ktct.ueb.edu.vn